Câu chuyện số 1.
Hồi 6 tuổi, mình, cũng như bao đứa trẻ con khác thời đó, mê nhạc Xuân Mai, nghe tối ngày, thuộc làu làu từng bài một. Mình còn tập hát theo “accent” tiếng miền Nam, đến khi thành thục rồi, muốn khoe, nhưng chẳng có chỗ nào để biểu diễn. Thế là mình lấy một mẩu giấy, viết vào đấy: “Cô ơi, con biết hát tiếng miền Nam đấy”, xong rồi kẹp vào vở bài tập toán, hí hửng nộp cho cô giáo.
Cô chủ nhiệm lớp Một của mình là cô Hà, mở vở ra chấm bài đọc được, gọi mình lên, cười hỏi: “Con viết đây à?”
Mình háo hức gật đầu: “Vâng ạaa!!”
Thế là cô cho cả lớp ngừng làm bài tập, cho mình đứng giữa lớp biểu diễn. =)) Hồi đó mình tự tin dữ lắm, còn chạy về chỗ rủ cạ cứng là bạn Thuỷ lên, hai đứa nhún nhảy hát bài “Tía má em”. Thoả mong ước được trình diễn bài tủ với skill đã luyện tập bao lâu nay, mình sung sướng lắm! :))
Câu chuyện số 2.
Mình lên lớp Hai, cô chủ nhiệm là cô Loan, xinh ơi là xinh, tóc dài đen nhánh, và cô rất hiền nữa. Cả lớp đều yêu cô. Thế rồi một ngày, mình thấy cô gục xuống khóc ở sân trường, mọi người xúm lại an ủi. Sau đó cô nghỉ hoài. Cô giáo khác vào dạy thay. Một ngày nọ, chẳng biết có ai đồn là cô Loan quay trở lại, mình và các bạn vui hết biết, ngồi xé giấy thành một đống mảnh vụn, nhét đầy trong hộp bút, trốn sau cửa chờ sẵn. Chỉ đợi cô bước vào là cả lũ sẽ tung lên như là người ta bắn pháo giấy ý, chào mừng cô trở về. Nhưng chờ mãi, cuối cùng cũng không thấy ai cả. Sau đó chúng mình mới biết, em gái cô mất, cô cũng về quê luôn rồi, sẽ không quay trở lại nữa. Những đứa trẻ 7 tuổi chưa hiểu hết được nỗi đau mất người thân là thế nào, chỉ buồn ngơ ngẩn vì nhớ cô giáo của chúng.
Câu chuyện số 3.
Lên cấp hai, mình học Việt – An. Cô Ngọc là chủ nhiệm lớp Sáu, ngày trước chị mình học Việt – An cũng từng học cô luôn. Điều mình nhớ nhất về cô là chữ rất đẹp, siêu siêu đẹp, mình hí hoáy tập theo để viết được đẹp giống cô. Cả chữ của mình và chị gái bây giờ đều là học theo cô mà thành.
Câu chuyện số 4.
Rồi giờ là câu chuyện mà ai chơi thân với mình cũng nghe mình kể mãi rồi. :)) Lớp Tám, chủ nhiệm lớp mình là cô Hồng, dạy Toán. Ban đầu mình sợ cô lắm, vì mình học dốt Toán, kiểm tra 15′ mấy lần liên tiếp toàn dưới trung bình. Mình có thể cảm nhận được rõ ràng sự phiền lòng của cô với mình luôn.
Đến cuối kỳ I, cô bảo cả lớp về viết bản Tự kiểm điểm, không phải do mắc lỗi, mà là mỗi học sinh về tự nhận xét về bản thân trong cả học kỳ vừa rồi, có gì muốn nhắn nhủ với cô thì cũng viết vô. Ui cái kiểu viết lách tâm sự này thì mình thích lắm. :)) Thế là mình thức đến khuya, viết một bản tự kiểm điểm dài 3 mặt giấy, chính xác là một bức thư thì đúng hơn. :)) Mình giãi bày hết những gì mình không dám nói trực tiếp, dồn hết tâm can tình cảm của một đứa học sinh “cá biệt” vào bức thư đó, với hy vọng là cô đọc xong sẽ không “ghét” mình nữa. /_\
Thế rồi sau khi mình nộp cho cô, hôm sau đến lớp, cô bảo: “Cô thấy bạn Linh là người có đôi mắt của Đức Mẹ.”
Wao, lần đầu tiên trong đời mình cảm nhận được thế nào gọi là “Điều gì từ trái tim thì sẽ đến trái tim.” ❤ Mình biết ơn cô không phải vì lời khen, mà vì cô đã trân trọng những tâm sự của một đứa trẻ, như mình. Tất nhiên, sau đó mình học tập trung hơn hẳn, vì muốn xứng đáng với sự tin tưởng cô dành cho mình.
Câu chuyện số 5.
Lớp Chín, cô giáo dạy Văn ban đầu cũng có ấn tượng không tốt với mình luôn. Hình như do một lần mình không tập trung nghe giảng bị cô gọi trúng thì phải. 😦 Thế mà dần dần theo quá trình học, cô trò thân nhau hơn, cuối cùng mình với cô thoải mái đến mức mình “nịnh bợ” cô cả ngày mà không đỏ mặt luôn. Như kiểu có một nhân cách khác xuất hiện khiến mình lắm mồm và dẻo mỏ bất ngờ khi ở cạnh cô vậy. Mỗi lần mình trêu là cô lại tít mắt cười ha hả, xong gọi mình là “Lý Liên Anh” của cô, mà sau này mình mới biết Lý Liên Anh là tên của thái giám tâm phúc bên cạnh Từ Hi thái hậu. :)) Nghĩ đi nghĩ lại, hơn 20 năm cuộc đời, có mỗi khoảng thời gian đó là mình khua môi múa mép được như vậy thôi. Một sự thoải mái đến lạ kì. :))
Câu chuyện số 6.
Lên cấp ba, có một hôm giờ Giáo dục công dân, mình bị gọi lên kiểm tra miệng nhưng lại quên mang vở, dù làm được bài và trả lời đúng câu hỏi. Cô GDCD hỏi mình: “Em làm đúng, nhưng vở đâu?”
Mình chẳng biết trả lời thế nào, bịa ra lý do gì nghe cũng chối, nên đành lí nhí: “Em quên ở nhà mất rồi ạ.”
Cô nhìn mình: “Thế thì không được rồi. Cô cho điểm kém nhé?”
Mình không mở miệng nói nổi lời xin xỏ, chỉ đành cúi đầu: “Vâng ạ.”
Sau đó cuối giờ mình xem sổ đầu bài, cô cho mình 9 điểm.
Đó là bài giáo dục công dân mình nhớ mãi không quên.
Câu chuyện số 7.
Ngày đi học cuối cùng của lớp 12, trước khi chào tạm biệt cả lớp, cô giáo dạy Toán đột nhiên bảo với lớp mình: Các em hãy trân trọng những khoảnh khắc này nhé, vì sau này khi nhìn lại, đây sẽ là những kỉ niệm đẹp nhất đấy. Nói đến đó, cô nghẹn ngào bật khóc. Bình thường cô khá nghiêm khắc và có phần xa cách, nhưng tại khoảnh khắc đó, đột nhiên mình lại thấy thương cô, và biết ơn cô thật nhiều.
❤
Bài viết này chỉ vậy thôi. Những kỉ niệm vụn vặt, những câu chuyện không đầu không cuối. Chỉ là, bỗng dưng hôm nay, mình thấy nhớ thầy cô của mình thật nhiều.
❤
Những đứa trẻ bao giờ cũng muốn lớn thật nhanh để khỏi phải đi học. Nhưng chỉ khi thực sự rời xa ghế nhà trường, chúng mới nhận ra, nơi mình vừa rời khỏi là một chốn bình yên đến nhường nào…
Hay! Mỗi câu chuyện là 1 cung bậc cảm xúc khác nhau. Mình có được nghe 1 cách nói ví von như này:
Nếu cuộc đời của 1 con người là 80 năm:
– 20 năm đầu của 1 con người (giai đoạn đi học), chúng ta được sống như 1 con người thực sự (được ăn, được mặc, được chăm sóc, được học, được biết về thế giới, v.v)
– 20 năm tiếp theo, chúng ta sống như 1 con trâu (lao động, làm việc, tích lũy xây dựng gia đình)
– 20 năm sau đó, chúng ta sống như 1 con chó (bảo vệ và duy trì những thứ ta đạt được)
– Còn 20 năm cuối, đố Ling biết chúng ta sống như con vật nào? 😬
LikeLike
Hmmmm cậu thử nói xem? :))))
LikeLike
Lúc đấy già r chỉ nhăn nheo như con khỉ thôi :)))
LikeLiked by 1 person