Mình đã đối mặt với chứng rối loạn lo âu như thế nào? (P1)

Không nhiều người biết về câu chuyện này của mình, và có lẽ cũng không ai hiểu thực sự mình đã trải qua hơn 2 năm điều trị như thế nào. Đến bây giờ, khi cảm thấy đã đủ hiểu bản thân, mình muốn chia sẻ câu chuyện của mình với mọi người, để nếu có ai đó cũng gặp những vấn đề như mình, thì cậu có thể yên tâm rằng, cậu không hề cô độc.

Trước hết, mình xin nhấn mạnh rằng đây hoàn toàn là chia sẻ cá nhân từ kinh nghiệm mà mình đã trải qua, không phải bài viết về kiến thức y học. Để kể lại toàn bộ hành trình thì khá dài, nên mình xin phép được chia thành 2 phần.

Mọi thứ bắt đầu trong sự hoảng loạn.

Bởi “người bạn” đó đến mà không hề báo trước. Và mình cũng không thể nói chính xác khoảnh khắc bạn ấy xuất hiện là lúc nào. Chỉ là mình bỗng dưng thấy mệt mỏi, uể oải, nhạt miệng, choáng váng một chút, triệu chứng giống một cơn “trúng gió” mà bình thường mình hay bị, có điều lần đó, nằm nhà cạo gió ngày này qua ngày khác vẫn không khỏi, trong khi chỉ còn vài tuần nữa là mình lên đường đi du học, mình bắt đầu hoang mang với hàng đống câu hỏi về sức khoẻ của bản thân, và rơi vào hoảng loạn.

Đó là mùa hè năm 2017, một khoảng thời gian thực sự tồi tệ mà đến bây giờ mình vẫn rùng mình khi nhớ lại. Cậu hiểu không, cái cảm giác mà đang khoẻ mạnh bình thường, đột nhiên sức khoẻ có vấn đề mà mình không hiểu vì sao, cạo gió không khỏi, đi khám không ra bệnh, áp lực thời gian khi ngày đi du học đến gần càng khiến tình trạng của mình tệ hơn, từ việc uể oải, mệt mỏi, nặng đầu, mình bắt đầu chán ăn, mất ngủ, đôi khi còn thấy khó thở và tim đập nhanh. Cứ như một vòng luẩn quẩn vậy, sự mệt mỏi kéo dài mà không rõ lí do khiến mình hoảng, và chính vì hoảng, mình lại càng mệt. Cảm giác tuyệt vọng nhất có lẽ là khi rõ ràng mình cảm nhận được là cơ thể mình rất mệt mỏi, nhưng đi khám thì các chỉ số đều bình thường, vậy lý do là tại sao?

Đó là lúc mình nhận ra, có lẽ vấn đề không nằm ở thể chất, mà là ở tinh thần của mình.

Ban đầu, mình không chấp nhận được sự thật này.

Sau khi gặp bác sĩ tâm lý, làm bài test và nhận được kết quả chẩn đoán là rối loạn lo âu, mình bắt đầu lên mạng tìm hiểu về nó. Khi đọc được những thông tin rằng người mắc chứng rối loạn lo âu thường phải điều trị kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm, thậm chí là cả đời, và nó hoàn toàn có thể tái phát theo thời gian, mình thực sự suy sụp. Từ bé đến lớn, mình chỉ bị ốm vặt thôi, uống thuốc nghỉ ngơi 1-2 tuần là khỏi, làm sao mình có thể chịu được việc bị bệnh và chữa bệnh dài đằng đẵng như thế, làm sao mình chịu được sự mệt mỏi kéo dài như thế, nếu cứ chán ăn, mất ngủ tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, làm sao cuộc sống của mình tiếp diễn được, vân vân và mây mây, sự sợ hãi bủa vây và hút cạn năng lượng của mình, còn mình chỉ biết hoang mang, và khóc.

Nếu có người hỏi đâu là thứ đáng sợ nhất mà chứng rối loạn lo âu gây ra cho mình, thì đó là chán ăn và mất ngủ. Cậu có tưởng tượng được sự kinh hoàng đó không, khi ngay cả hai nhu cầu cơ bản nhất của một con người, cả thế giới đều làm mỗi ngày, ngày ngủ 8 tiếng, ăn 3 bữa, vậy mà cậu không làm được. Mình mất hoàn toàn cảm giác đói và thèm ăn, cứ nhìn thấy đồ ăn là buồn nôn, và đêm xuống, mọi người đặt lưng một lúc là chìm vào giấc ngủ, còn mình, dù có mệt đến cỡ nào, thì cứ thiu thiu ngủ là lại giật bắn mình tỉnh dậy, tim đập thình thịch, cứ như vậy vài lần mỗi đêm.

Cứ mỗi lần giật thót mình tỉnh dậy, mình lại nghĩ, nếu những triệu chứng này cứ thế kéo dài, mình sẽ chết mất.

Nhưng chính trong buổi kiểm tra tâm lý, có một câu hỏi khiến mình thức tỉnh, ghi nhớ, và trở thành động lực để mình cố gắng đối mặt và vượt qua khoảng thời gian tồi tệ đó.

Mình còn nhớ hôm đó hẹn gặp anh bác sĩ ở một quán cafe khu Hoàng Cầu, ảnh là người quen của bạn mình, rất nhẹ nhàng và tinh tế. Trong bài trắc nghiệm khoảng mấy chục câu, có câu hỏi cuối cùng, câu mà trước khi hỏi, ảnh nói với mình rằng: Đây là câu hỏi gần như quan trọng nhất, để xem tình trạng của mình có đến mức trầm cảm không.

Câu hỏi đó đại ý là: Liệu có bao giờ mình cảm thấy chán ghét bản thân, đổ lỗi cho bản thân và cảm thấy mọi chuyện xảy ra đều là lỗi của mình không?

Thật may mắn, câu trả lời của mình là “Không”.

Và ngay khi trả lời câu hỏi đó, có một điều gì đó trong mình thức tỉnh, kiểu như nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm ấy, giúp cho cả quá trình điều trị dài đằng đẵng sau này, trong những lúc tuyệt vọng nhất, mệt mỏi nhất, mình vẫn luôn vin vào nó để cố gắng mạnh mẽ hơn. Rằng thực chất, mình không hề căm ghét bản thân, ngay cả khi mình ốm yếu, xấu xí, và mệt mỏi. Nếu được dùng một từ để dành cho chính mình, mình sẽ dùng từ “thương”, mình cảm thấy thương bản thân mình khi phải đối mặt với sự khủng hoảng này, và hơn hết, mình muốn cứu lấy chính mình, mình muốn vượt qua căn bệnh này, và mình tin rằng mình sẽ làm được!

Và mình chính thức bước vào hành trình hơn 2 năm vật lộn với bóng ma tâm lý của chính mình.

Đó là một hành trình không đơn giản, nếu không muốn nói là vật vã.

Mình tiếp nhận điều trị bằng cả hai phương pháp: Trị liệu tâm lý và dùng thuốc. Ban đầu mình muốn theo phương pháp tâm lý, tuy nhiên do thời điểm phát bệnh là ngay trước khi mình phải lên đường sang Nhật du học, thời gian không còn nhiều, nên mình chỉ gặp anh bác sĩ tâm lý được chừng 7-8 buổi, rồi sau đó, mình tiếp nhận điều trị bằng thuốc từ một bác sĩ khác, chuyên khoa tâm thần. Hai phương pháp điều trị khác hẳn nhau – Một bên thì sẽ dành thời gian để trò chuyện và lắng nghe, còn một bên thì như đi khám bình thường, đến khám và lấy thuốc, không tâm sự dài dòng.

Và thế là trong hành lý sang Nhật của mình có thêm hai thứ: Một túi thuốc điều trị rối loạn lo âu, và một quyển sách tô màu dành cho người lớn – món quà trước khi lên đường của anh bác sĩ tâm lý, hehe. Hành trình du học của mình vì vậy mà không hường phấn gì /_\ Mọi người thường nói về việc lần đầu đi du học nơi xứ người sẽ dễ lạc lõng, cô đơn và nhớ nhà, thì với một đứa rối loạn lo âu như mình, những cảm giác ấy sẽ được khuếch đại lên nhiều lần. Mình khép kín, giữ khoảng cách với mọi người, và tránh việc giao tiếp nhiều nhất có thể. Một hình ảnh hoàn toàn trái ngược so với bản thân mình chỉ một năm trước đó, khi mình vẫn còn là Chủ tịch Hội sinh viên của khoa, đầu trò tổ chức các chương trình, chạy event không biết mệt. Vậy mà sau một mùa hè, rối loạn lo âu xuất hiận, mình biến thành một con người khác. Khoảng thời gian xa xứ, mình lười chăm sóc bản thân, ra ngoài nhiều khi còn không buồn đánh son, tối không buồn skin care, mặc kệ cho cái rét của mùa đông nước Nhật làm da mình nẻ tung toé.

Vốn là người rất để ý đến ngoại hình, vậy mà có những ngày mình như thế này – đi du lịch, chụp ảnh, mà cũng không buồn tút tát, không buồn lên đồ, nhợt nhạt và uể oải.

Hồi đó, mình cảm thấy bản thân béo, xấu, và chán. Có một bí mật mà mình gần như không giải thích với ai, nhưng lí do mà khi đi du học, mình ăn nhiều và tăng cân, không phải do mình mê đồ ăn Nhật. Thực ra đồ Nhật phần lớn lại không hợp khẩu vị của mình lắm. Vậy mà hồi ở bển, mình tăng đến 7-8 cân. Lý do là vì điều trị bằng thuốc. Mình không rõ lắm về tác dụng của từng loại thuốc trong đơn bác sĩ kê, mình cũng không đi tìm hiểu tường tận xem chúng tác động gì lên cơ thể của mình để điều trị rối loạn lo âu, nhưng có một điều mình cảm nhận rõ nhất, thuốc giúp mình tăng cảm giác ngon miệng. Sau thời gian dài vật vã vì chán ăn và mất ngủ, việc lấy lại được sự thèm ăn khiến mình cảm thấy nhẹ nhõm hơn, như kiểu một phần gánh nặng được trút bỏ, và mình nghĩ đó là cách mà tác động vật lý từ những viên thuốc giúp mình giảm lo âu. Nên chỉ cần mình thấy đói, mình sẽ ăn thoả thích để bù lại những ngày chán ăn, lần đầu tiên mình sống với slogan: Béo cũng được, xấu cũng được, miễn là không bị chán ăn.

Thời gian dùng thuốc, mình béo lên trông thấy.
Nhưng không phải béo khoẻ, béo đẹp.

Mình phải uống thuốc từ 2017 đến cuối 2019, tức là tận một năm sau khi du học về, mình mới có can đảm để dừng thuốc. Gia đình mình bất ngờ, bác sĩ cũng bất ngờ. Bởi mọi người cứ nghĩ mình hoảng loạn vì lần đầu xa nhà nên mới vậy thôi. Nhưng không. Dù thể trạng và việc ăn uống đã ổn định, nhưng sự căng thẳng mỗi lần đi ngủ vẫn tiếp tục đeo bám mình gần như mỗi ngày. Việc sử dụng các sản phẩm tốt cho giấc ngủ, ăn chè sen, thiền, nghe nhạc tĩnh tâm,… đều không có tác dụng, một khi mình vẫn có một sự sợ hãi tăng dần khi đồng hồ chỉ giờ ngày càng muộn.

Mình cố gắng tỏ ra như này để mọi người khỏi lo lắng.
Nhưng thật ra mình cảm thấy như thế này.

Có một ngày, mình định quay video ghi lại tâm sự của bản thân trong khoảng thời gian điều trị, nhưng mở camera lên, nói được vài câu, mình bật khóc. Và mình biết, lúc ấy mình vẫn lạc lối trong đám sương mù do bóng ma tâm lý gây nên, mình chưa sẵn sàng để thú nhận với người khác rằng mình đang phải đối mặt với nó. Vậy là mình tắt máy đi. Người bình thường có thể dễ dàng đặt vấn đề và nói về bệnh tật, nhưng khi chính cậu đang là bệnh nhân, thì chỉ việc nghĩ đến nó thôi, cũng cần vô vàn dũng khí.

Giống như câu nói của nhân vật Kito Aya trong bộ phim Một lít nước mắt vậy: Để có thể đứng đây và bình thản kể lại với mọi người, mình đã khóc hết một lít nước mắt.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s