Mình đã đối mặt với chứng rối loạn lo âu như thế nào? (P2)

Sau 4 năm, cuối cùng mình đã cảm thấy bản thân có đủ dũng cảm để nói về rối loạn lo âu, mà không khóc nữa.

Và mình đã học cách đối mặt với nó như thế nào?

Điều đầu tiên, đó là bình tĩnh chấp nhận sự tồn tại của nó, nhưng quan trọng là, mình muốn vượt qua nó, và mình tin vào các phương pháp điều trị

Sau thời gian dài, mình nhận ra rằng vấn đề tâm lý thì chỉ có thể dùng tâm lý để hoá giải mới là cách hiệu quả nhất. Kể cả khi uống thuốc, đó cũng là một cách để trấn an tâm lý, để bản thân cậu tin rằng mình đang được điều trị, và đã được điều trị thì sẽ khỏi. Sức mạnh tinh thần của con người thực sự rất đáng nể. Cậu có thể khoẻ lên, và yếu đi, chỉ cần cậu tin rằng bản thân mình như vậy, cậu có tin không? Nếu cậu được chẩn đoán rằng mình đang gặp các vấn đề về tâm lý, thì trước hết hãy tin rằng việc điều trị sẽ có kết quả. Tác động từ bác sĩ hay thuốc cũng sẽ vô tác dụng nếu như cậu không tin rằng chúng có tác dụng. Mình đã chọn đặt niềm tin vào chính bản thân mình và những người đang muốn hỗ trợ mình, rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi, và thực sự nó đã dần ổn định hơn.

Dành thời gian trò chuyện với bản thân

Trò chuyện để hiểu chính mình, để hiểu mình đang cảm thấy như thế nào, để hiểu gốc rễ vấn đề là từ đâu, mình lo lắng cái gì, tại sao mình lo lắng, từ đó tìm ra những phương pháp để giảm bớt những tác nhân gây ra sự lo lắng không cần thiết cho mình.

Có một cách khá hiệu quả để việc trò chuyện với bản thân trở nên dễ dàng hơn mà anh bác sĩ tâm lý đã chỉ cho mình – đó là viết nhật ký. Một việc tưởng chừng đơn giản, nhưng bình thường chúng ta không mấy khi nghĩ đến, nhỉ. :)) Guồng quay của cuộc sống làm chúng ta luôn cảm thấy không có thời gian dành cho những thứ như vậy, nhưng việc viết ra sự lo lắng và trăn trở của mình, giống như cậu có một nơi để trút bỏ tâm sự vậy, là một cách rất tốt để giải toả lo lắng.

Ngoài ra, mình còn có một vài thú vui để chữa lành cho tâm hồn mình khi cảm thấy năng lượng đi xuống, kiểu trốn trong phòng xem phim (bộ phim chữa lành của mình là F.R.I.E.N.D.S <3), nghe nhạc, hẹn gặp bạn bè, đi siêu thị, đi shopping, nhiều khi chỉ là window-shopping thôi (chứ làm gì có tiền mà mỗi lần buồn lại mua sắm T_T) nhưng cũng làm mình thấy vui hơn nhiều. ❤

Quan trọng là, đừng để bản thân bị nhấn chìm bởi những suy nghĩ tiêu cực. Nếu quá mệt mỏi, cậu có thể khóc, nhưng khóc xong, hãy tìm đến nguồn năng lượng tích cực, từ sở thích, từ gia đình, bạn bè, hay bất kì ai cậu tin tưởng. Bây giờ nghĩ lại, nếu thời gian hoảng loạn ban đầu, mình không trốn trong bốn bức tường với những hoang mang lo sợ, nếu mình chịu khó ra ngoài gặp gỡ bạn bè nhiều hơn, có lẽ tình trạng của mình đã không tệ đến thế.

Một trong những bức tranh mà mình đã hoàn thành trong quyển sách tô màu mà anh bác sĩ tặng cho mình. ❤ Có một tips từ anh bác sĩ mà mình đã cố gắng thực hiện: đó là chọn màu một cách ngẫu nhiên. Hoa không nhất thiết phải đỏ, lá không nhất thiết phải xanh.
“Đừng để việc lựa chọn làm em căng thẳng. Hãy thử kết hợp màu sắc một cách ngẫu hứng, biết đâu em sẽ cảm thấy bất ngờ với thành quả của mình sau khi hoàn thành.” ❤

Học cách tìm ra sự tích cực từ vấn đề của mình

Nghe thì có vẻ dị – Nhưng mình đã từng thử nghĩ xem: “Người bạn” rối loạn lo âu này đã dạy cho mình bài học gì, và đem lại cho mình điều gì? Ừ, việc bác sĩ nói chỉ số lo lắng của mình cao hơn người bình thường thì có sao, mình chấp nhận việc mình có một tâm hồn nhạy cảm quá mức, đôi khi nó làm mình lo xa và mệt mỏi, nhưng đôi khi, sự nhạy cảm đó giúp mình nắm bắt được tâm lý của bản thân và của người khác, giúp mình cảm nhận được và suy nghĩ được những thứ mơ hồ và khó diễn tả, nhưng – somehow – lại phù hợp với một người thích bay bổng và mơ mộng như mình. Đặc biệt, “người bạn” này là một chất xúc tác, để mình lắng nghe bản thân nhiều hơn, hiểu chính mình hơn, và chú ý chăm sóc sức khoẻ hơn.

Nói lời khen ngợi và yêu thương với bản thân mình

Thật tốt nếu cậu có một người bên cạnh đủ hiểu và thông cảm để có thể chia sẻ những tâm sự và lo lắng của cậu. Nhưng nếu cậu cảm thấy khó nói ra vấn đề của mình với người khác, như mình, thì ít nhất, cậu có thể học cách tự trở thành nguồn động viên cho bản thân. Không ai hiểu mình hơn chính mình. Giống như mình đã nói ở phần 1, điều khiến cho mình thức tỉnh, kéo mình khỏi sự hoảng loạn ban đầu, chính là câu hỏi then chốt của anh bác sĩ, câu hỏi khiến mình nhận ra: Chìa khoá để mở cánh cửa quay trở về với cuộc sống bình thường, thực ra đang nằm trong chính bàn tay mình.

Nếu cậu chưa đủ tự tin để “yêu” bản thân, thì ít nhất hãy “thương” nó trước. Đừng đổ lỗi cho bản thân mình khi không may trở thành nạn nhân của rối loạn lo âu, trầm cảm hay bất kì chứng bệnh tâm lý nào. Cậu đã làm rất tốt rồi! Bị ốm không phải lỗi của cậu! Mỗi người trong cuộc đời sẽ có những thử thách khác nhau phải vượt qua, và đây chỉ là một chướng ngại vật cậu cần vượt qua để trưởng thành và mạnh mẽ hơn thôi.

Cậu đã làm rất tốt rồi! Mình ôm cậu nè! ❤

“Giữa cuộc sống bộn bề lo toan, việc chán ăn hay mất ngủ vài hôm là việc hết sức bình thường!”

Đây là câu mình dùng để vỗ về bản thân sau khi ngừng điều trị thuốc. Mình không thể khẳng định rằng mình đã rèn luyện được một ý chí sắt đá, hay thuốc có thể chữa khỏi rối loạn lo âu. Rắc rối về tâm lý không giống như bệnh về thể chất, không phải vết nhọt để bôi thuốc đặc trị là hết hoàn toàn, mình chấp nhận rằng sẽ có những ngày khác trong cuộc đời sau này, mình sẽ lại stress vì tình yêu, công việc, gia đình, hay thậm chí chẳng vì biến cố gì to tát, nhưng mình biết rằng trên thế giới này, không phải một mình mình có những vấn đề như vậy. Điều quan trọng là việc ý thức rằng mình không đơn độc. Đúng vậy, với những người có rắc rối về tâm lý, đôi khi họ không cần nghe lời khuyên, giải pháp, họ chỉ cần được biết rằng họ không phải là người duy nhất đang phải đối mặt với khó khăn, rằng trên hành trình này, họ không đơn độc.

Không cố đặt áp lực cho bản thân rằng mình phải khỏi bệnh hoàn toàn và không bao giờ tái phát

Bởi vì càng nghĩ về cái chân đau, cậu sẽ càng thấy nó lâu lành. Mình cũng vậy. Thời gian đầu, mình không muốn tin rằng việc điều trị sẽ phải kéo dài đến nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Mình muốn sự mệt mỏi này chấm dứt ngay, hôm nay uống thuốc thì sáng mai ngủ dậy phải hết. Những suy nghĩ đó vô hình trung lại càng làm mình căng thẳng, lúc nào trong đầu mình cũng tự hỏi: Mình đã hết mệt chưa? Mình đã khỏi chưa? Tất nhiên câu trả lời là chưa, và chắc chắn sẽ là không nếu mình cứ trói buộc bản thân vào sự hoang mang đó.

Bây giờ thì mình nghĩ về nó như một cơn cảm cúm, đại loại vậy. Rằng cuộc sống tất nhiên có lúc này lúc kia, sẽ có ngày mình khoẻ, có ngày đề kháng yếu thì mình hắt hơi sổ mũi. Mình không thể trốn tránh khỏi áp lực và lo lắng, mà mình cố gắng học cách sống chung và điều hoà để nó không làm mình mệt mỏi quá mức. Tăng cường sức đề kháng bằng việc duy trì những thói quen giúp tâm trạng của mình được cân bằng, và chấp nhận việc kể cả có lúc nào đó mình phải quay lại nhờ sự trợ giúp của bác sĩ, thì cũng không phải điều gì quá nghiêm trọng. Bởi vì sống tích cực không có nghĩa là cậu phải ép bản thân lúc nào cũng vui vẻ và phủ nhận hoàn toàn sự tiêu cực. Mình chấp nhận việc sẽ có những ngày mệt mỏi, để khi sự tiêu cực đến, mình có thể bình tĩnh nhìn thẳng vào nó, và trấn an bản thân rằng rồi nó cũng sẽ qua đi.

Như một bài hát của Lynk Lee mà mình rất thích: Buồn thì cứ khóc đi!
Sau cơn mưa, nắng sẽ lại lên. ❤

Nếu người thân, bạn bè của cậu đang phải đối mặt với rắc rối tâm lý…

Thì mong cậu hãy hiểu rằng đó không phải là lỗi của họ. Mỗi người có một đặc điểm tính cách và giới hạn chịu đựng khác nhau, nên xin đừng đánh giá họ là những kẻ yếu đuối và “chỉ có một chút vấn đề như vậy thôi mà cũng không chịu được”. Bệnh tâm lý không hề lãng mạn như phim, không phải trầm cảm chỉ là cậu sẽ trở thành một “mĩ nam an tĩnh”, thích yên lặng và thích ở một mình. Nên nếu ai đó tâm sự với cậu rằng họ cần sự giúp đỡ, xin hãy bao dung và đừng coi vấn đề của họ là một trò đùa. Cậu cũng không cần phải am hiểu về tâm lý học để giúp họ đưa ra giải pháp, chỉ cần ở bên cạnh, giúp họ cảm thấy nỗi sợ hãi của họ được thấu hiểu, sẻ chia, như vậy cũng đủ để tiếp thêm năng lượng tích cực cho họ rồi. ❤

Còn nếu cậu là người cũng đang phải vật lộn với bóng ma tâm lý trong lòng, thì đừng lo, ít nhất cũng có mình ở đây. Mình không biết đây có phải điều cậu đang muốn nghe lúc này hay không, nhưng mà, cậu không hề cô đơn! ❤

Có một tips nhỏ để up mood, nghe hơi kì nhưng mình lại thấy rất hiệu quả, đó là khi nào cậu thấy buồn, thì hãy nhìn vào gương và cười thật rạng rỡ, vì ngay khi cậu cười, bằng một cách nào đó, tâm trạng của cậu cũng sẽ tốt lên đó! Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ là có thật nha ^_^

P/s: Tặng cậu bài hát chữa lành của mình. Một bài hát tuyệt vời để cảm thấy mình được yêu thương và xứng đáng được yêu thương ❤ Và còn du dương êm ái để nhắm mắt nghe rồi thư giãn nữa ❤

You’ll never love yourself half as much as I love you
And you’ll never treat yourself right darling, but I want you to
If I let you know, I’m here for you
Maybe you’ll love yourself like I love you

Chúc cậu những ngày bình yên. ❤

4 thoughts on “Mình đã đối mặt với chứng rối loạn lo âu như thế nào? (P2)

  1. Là 1 kẻ xa lạ nhưng mình rất vui khi được đọc những chia sẻ của bạn. Căn bệnh tâm lý luôn là một thứ gì đó rất đáng sợ. Mừng cho bạn vì bạn đã có đủ sự dũng cảm để chấp nhận và đối mặt với nó!

    Liked by 1 person

    1. Cảm ơn bạn nhiều ~~ Việc viết blog và có bạn vào chia sẻ cùng mình cũng là một nguồn năng lượng tích cực made my day với mình hehee ❤ ❤ Chúng mình sẽ cùng nhau mạnh mẽ!! :”>

      Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s